+75.555 tin đăng mới hàng tháng | +10.000 thành viên mới hàng tháng | Thứ Năm, 12/09/2024
Kiến Trúc

Động lực và cơ hội nào cho kinh tế sáng tạo?

22/06/2021

Đó là tên tọa đàm trực tuyến, nằm trong khuôn khổ Cuộc thi Thiết Kế Không gian sáng tạo Hà Nội, với mong muốn thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo

 và làm rõ những kinh nghiệm, xu hướng mới trong tạo dựng một không gian sáng tạo, được tổ chức ngày 08/06/2021 vừa qua, dưới sự bảo trợ của UBND TP Hà Nội và Hội KTS Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị đồng hành: UNESCO, Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (ECUE), UBND Quận Hoàn Kiếm. 

Tại toạ đàm, các chuyên gia và khách mời đã có dịp trao đổi về việc chuyển đổi những không gian cũ hay xây dựng một không gian sáng tạo mang lại giá trị cho xã hội và nhận định, đây là một trong những xu thế tất yếu của kiến trúc.

Diễn giả, KTS Mai Hưng Trung – Founder of Hanoi Ad hoc, Atelier M32, FR đã chia sẻ rất nhiều ví dụ thực tiễn về những khó khăn, thách thức khi chuyển đổi các công trình được bảo tồn nổi tiếng ở Pháp và những thành công sau đó. Trong các ví dụ đó, có công trình của cặp đôi KTS đạt giải Pritzker 2021 – Lacaton & Vassal, cặp đôi này đã nhận giải bởi những đóng góp của họ cho việc cải tạo, chuyển đổi những công trình cũ thành các không gian mới mang lại nhiều giá trị hơn. KTS Mai Hưng Trung cho rằng: “Việc bảo tồn và chuyển đổi các công trình cũ là xu thế tất yếu, vậy nên, hiện nay, khi xây dựng một công trình, nên đặt thêm một câu hỏi: Công trình này sẽ được chuyển đổi như thế nào trong tương lại? Phá bỏ và xây mới một công trình chỉ là một sự thay đổi ngắn hạn, tiêu hao rất nhiều năng lượng, lãng phí tài nguyên nhiên liệu, ô nhiễm môi trường.”

KTS Mai Hưng Trung – Founder of Hanoi Ad hoc, Atelier M32, FR
 
KTS Đoàn Kỳ Thanh
 

Từ góc nhìn của các không gian được chuyển đổi từ các công trình cũ trên thế giới, KTS Đoàn Kỳ Thanh – Thành viên sáng lập, người tiên phong trong việc hình thành ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo cho TP như Zone 9 (9 Trần Thánh Tông), X98 (98 Hoàng Cầu), Creative city (số 1 Lương Yên) đã chia sẻ góc nhìn về hình thành Không sáng tạo, từ kinh nghiệm của khu Zone 9 và các không gian sáng tạo hiện nay của Việt Nam. Theo KTS Đoàn Kỳ Thanh: “Một từ khóa quan trọng trong chuyển đổi và tạo ra các không gian sáng tạo là tăng giá trị cho xã hội. Tuy nhiên để làm được điều này, các không gian đó cần có các hoạt động, sự sống. Vậy nên khi đặt bút định chuyển đổi không gian hay xây dựng mới, phải làm thế nào để thu hút cộng đồng tham gia vào đó, nhân tố quyết định sự sống của không gian đó. Khi đã tạo thành một hệ sinh thái sống, các công trình cũng dễ dàng thuyết phục sự đồng thuận, ủng hộ của chủ đầu tư, chính quyền và người dân.”

Ông Namster Do – Chủ tịch UPGEN VietNam
 

Đồng thuận với quan điểm của KTS Đoàn Kỳ Thanh, Ông Namster Do – Chủ tịch UPGEN VietNam, khi nói về việc khơi nguồn tài chính cho hoạt động khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào mô hình chuyển đổi và công nghiệp văn hóa, sáng tạo đã chia sẻ: “Điều quan trọng đối với việc xây dựng hay chuyển đổi bất kỳ công trình nào là mang lại giá trị xã hội. Tuy nhiên, đối với nhiều đất nước, khi giá trị xã hội là tài chính, thì việc xây dựng các không gian này sẽ rất khó. Thực tế, việc chuyển đổi các không gian chưa bao giờ là dễ dàng, vì nó dễ dẫn đến những xung đột về lợi ích, và nhiều khi, việc xây dựng mới còn tiết kiệm chi phí hơn chuyển đổi rất nhiều. Vậy nên, chúng ta cần tìm được các giá trị về tài chính liên quan đến việc tăng các giá trị về xã hội khác. Quan trọng là các cơ chế, chính sách của nhà nước, để thay đổi nhận thức của những nhà đầu tư về giá trị, tạo ra lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan.”

Cũng tại tọa đàm, các khách mời đã trao đổi thêm về các tiêu chí hình thành nên các không gian sáng tạo và một số gợi ý khi khai thác các giá trị lịch sử văn hóa nhằm tạo nên các không gian sáng tạo tại 3 hạng mục Cuộc thi thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội: Hạng mục Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo; Hạng mục Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thách các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng; Hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thông và đề xuất một số các tiêu chí chấm chọn các phương án tham gia dự thi.

Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội: “Trong Luật di sản, có một nội dung về việc giữ lại những giá trị gốc cho những công trình bảo tồn. Nhưng nếu như không có sáng tạo, chúng ta sẽ không có nhiều công trình như bây giờ. Sáng tạo phải hiểu theo nghĩa rộng hơn. Việc Hà Nội gia nhập thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đầu tiên trong việc thúc đẩy sáng tạo văn hóa, trong đó có các không gian sáng tạo, nhưng nếu những không gian này chỉ làm đẹp trên giấy, sẽ phải chờ đợi nguồn lực rất lâu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cuộc thi sẽ có những thiết kế thiết thực, khả thi, để làm tiền đề trong việc đưa những ý tưởng vào thực tế.”

Tọa đàm đã kết thúc với những thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến phát triển không gian sáng tạo và các thí sinh tham dự Cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội. Hy vọng, sự kiện sẽ góp phần nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng, hòa trong nhịp đập văn hóa, sáng tạo của Thành phố Hà Nội.

Thu Vân – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc


CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
ĐƯỢC QUAN TÂM NHẤT